Phạm Duy mơ về ‘một ngày như thế’


Theo Nguyễn Hùng  – bbcvietnamese.com

Cập nhật: 13:30 GMT – thứ ba, 29 tháng 1, 2013


Tin nhạc sỹ Phạm Duy qua đời vẫn gây sốc cho những người mến mộ ông dù họ và bản thân ông đều ý thức được sự mong manh của cuộc sống ở tuổi ngoài 90.

Một số người yêu nhạc Phạm Duy nói với BBC họ cảm thấy buồn và tiếc là ông qua đời khi nhiều tác phẩm còn bị cấm.

Bản thân tác giả của hai trường ca chưa được cấp phép Con đường cái quanMẹ Việt Nam còn nói thêm ông cảm thấy “hoàn toàn thất bại” khi người Việt còn chưa thực sự hòa giải cho dù đất nước đã thống nhất từ lâu.

‘Về với tổ tiên’

Cách đây gần tròn một năm, đích thân ông Phạm Duy đã gửi thư cho ông Trương Tấn Sang và phu nhân sau khi gặp vợ chồng chủ tịch nước ở Hà Nội trong chương trình ‘Xuân Quê Hương’.

“Nếu được như vậy [cấp phép cho hầu hết các tác phẩm], không chỉ tôi được toại nguyện trước khi trở về với tổ tiên, mà còn là một niềm vui lớn đối với gia đình tôi, những người mến mộ nhạc của tôi trong và ngoài nước.”

Nhạc sỹ Phạm Duy trong thư gửi Chủ tịch Trương Tấn Sang

Nhạc sỹ, người Bấm nói với BBC ông về Việt Nam vì “yêu nước”, viết trong thư ông đã có bảy năm sống ở Việt Nam và đó “có lẽ là điều hạnh phúc nhất” đối với ông.

Nhưng nội dung chính của thư là mong muốn “tất cả các tác phẩm âm nhạc [của Phạm Duy]…từ thời tiền Kháng chiến…đến nay được cho phép biểu diễn trên quê hương” trừ các tác phẩm “Chính quyền thấy không phù hợp”.

Nhạc sỹ nói cho tới nay mới chỉ có 10% số tác phẩm được cho phép biểu diễn và viết:

“Nếu được như vậy [cấp phép cho hầu hết các tác phẩm], không chỉ tôi được toại nguyện trước khi trở về với tổ tiên, mà còn là một niềm vui lớn đối với gia đình tôi, những người mến mộ nhạc của tôi trong và ngoài nước.

“Việc này cũng góp phần làm phong phú âm nhạc và văn hóa Việt Nam, thêm những sự lựa chọn cho khán giả yêu nhạc Việt, và đồng thời làm gia tăng sự tin tưởng của kiều bào đối với các chính sách về hòa hợp, hòa giải và hướng về quê nhà của Nhà nước Việt Nam.”

‘Bận tâm nhất’

Sau thư của ông Phạm Duy, vốn cũng được gửi tới Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Hoàng Anh Tuấn, một số văn nghệ sỹ khác cũng gửi thư cho vị bộ trưởng đề nghị cấp phép thêm cho nhiều ca khúc của nhạc sỹ khi đó đã ở tuổi 92.

Tổng thư ký Hội Sử học Dương Trung Quốc, người đứng đằng sau một số cuộc ra mắt công chúng của ông Phạm Duy, khuyến cáo nên xem lại toàn bộ các tác phẩm của nhạc sỹ và đưa ra danh sách những bài “không còn phù hợp”.

Nhạc sỹ Phạm DuyÔng Phạm Duy lúc cuối đời lo lắng về số phận các tác phẩm chưa được cấp phép

Trừ những bài đó ra, ông Quốc nói nên cho phổ biến tất cả các bài còn lại:

“Làm được như vậy cũng phù hợp với nguyên lý phổ quát là mọi công dân chỉ không được làm những gì luật pháp đã cấm chứ không phải chỉ được làm những gì nhà nước cho phép.”

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, một người gần gũi và có thơ được ông Phạm Duy phổ nhạc, nói trong thư gửi ông Hoàng Anh Tuấn rằng nhạc sỹ đã về Việt Nam bất chấp “gió tanh mưa máu” của những người đối nghịch với chính quyền trong nước.

Ông Xuân, người nói ông được cố Ủy viên Bộ Chính trị Tố Hữu “giao nhiệm vụ” mời ông Duy về nước từ nhiều năm trước, cũng nói nhạc sỹ “bận tâm nhất” về chuyện khi nào những tác phẩm còn lại của ông được cho phép biểu diễn.

Ông Nguyễn Đắc Xuân cũng nhắc lại chuyện Việt Nam “không kịp” vinh danh nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và từng nhắc ông Tuấn không nên để chuyện tương tự xảy ra với Phạm Duy.

‘Mẹ Việt Nam’

Cả hai ông Nguyễn Đắc Xuân và Dương Trung Quốc đều đề cập tới hai trường ca chưa được cấp phép Con đường cái quanMẹ Việt Nam, hai tác phẩm mà Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Khê cũng gửi thư tới ông Hoàng Anh Tuấn đề nghị cho trình diễn.

Ông Xuân nói nếu những người quản lý văn hóa chưa thể cấp phép toàn bộ thì nên cho ra mắt hai trường ca nói trên hoặc ít nhất cho công bố bài hát kết thúc trường ca Mẹ Việt Nam với tên ‘Việt Nam Việt Nam’ mà ông dẫn toàn bài trong đó có đoạn:

“Với hai trường ca này, Duy đã nói về một Việt Nam hoàn toàn chung nhất, vẽ nên một bức tranh Việt Nam đầy đủ địa lý tới văn hóa, từ chiều dài lịch sử đến bề sâu tâm hồn, từ tư tưởng triết lý đến quan niệm nhân sinh…”

Giáo sư Trần Văn Khê nói về hai trường ca ‘Mẹ Việt Nam’ và ‘Con đường cái quan’

Việt Nam Việt Nam tên gọi là người

Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời

Việt Nam đây miền xinh tươi

Việt Nam đem vào sông núi

Tự do công bình bác ái muôn đời

Việt Nam không đòi xương máu

Việt Nam kêu gọi thương nhau…

Tình yêu đây là khí giới

Tình thương đem về muôn nơi…

Giáo sư Khê, người cũng sinh năm 1921 như Phạm Duy, nói hai trường ca Con đường cái quan và Mẹ Việt Nam là “những tuyệt phẩm đáng được phổ biến trong toàn đất nước vì những giá trị nghệ thuật đích thực” và viết:

“Với hai trường ca này, Duy đã nói về một Việt Nam hoàn toàn chung nhất, vẽ nên một bức tranh Việt Nam đầy đủ địa lý tới văn hóa, từ chiều dài lịch sử đến bề sâu tâm hồn, từ tư tưởng triết lý đến quan niệm nhân sinh…để thấy rằng Việt Nam đẹp đến nhường nào, từ trong nội tại tâm hồn đến cảnh vật bên ngoài, luôn lấp lánh cái bóng dáng hòa bình, yêu thương, nhân ái, người vì người, sống chết cho nhau.”

Ông Quốc nói ông “bày tỏ sự tán thành” với quan điểm của ông Xuân và ông Khê và nói chính quyền “không nên để những mặc cảm quá khứ chi phối”.

‘Một ngày như thế’

Trong một phỏng vấn vào giữa năm ngoái, cùng thời điểm các bức thư của các văn nghệ sỹ, bản thân Phạm Duy nói ông đã “hoàn toàn thất bại” trong việc hòa hợp hòa giải qua các tác phẩm của mình.

Trả lời đài RFA, ông Phạm Duy nói:

“Đất nước đã thống nhất rồi mà lòng người thì không thống nhất, thành thử đại khái nếu mà tôi có chết đi thì tôi hãy còn gần như là tôi không được thỏa mãn.”

Còn lý do tại sao có tình trạng này, nhạc sỹ nói cần “hỏi chính quyền tại sao lại như thế.”

“Khi nào cả hai phía cùng hoà giải với nhau thì họ sẽ thấy Phạm Duy đón họ ở đấy, vì ông đã thấy trước từ lâu rồi là sẽ có một ngày như thế.”

Dịch giả hồi ký Phạm Duy, Eric Henry

Nhưng chính bức thư của ông và của các văn nghệ sỹ gửi cho các quan chức trong năm ngoái cũng không được hồi âm và 90% tác phẩm của nhạc sỹ vẫn thuộc diện cấm diễn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói ông Phạm Duy đã quá buồn trước cảnh bạn bè ông nằm xuống ở Hoa Kỳ nhưng vẫn bị trút “hận thù” trong lời ai điếu và cả khi hạ huyệt.

Tạ thế ở Việt Nam ông đã tránh được những điều mà ông thấy “sợ” nhưng vẫn không nguôi vì lòng người ly tán và quyền lực đè lên nghệ thuật.

Trong những ngày đau buồn của gia đình họ Phạm, Tiến sỹ người Mỹ Eric Henry, người vừa hoàn thành bản dịch hồi ký của Phạm Duy sang tiếng Anh, được báo Bấm Phụ nữ Today dẫn lời nói:

“Nhiều năm nay, cả hai phía từng tham dự cuộc chiến tranh Việt Nam ngày xưa đều đã có những sự dịch chuyển để tiến lại gần nhau hơn.

“Sự chuyển hoá từ cả hai phía có vẻ chỉ là những thay đổi cỏn con, ngẫu nhiên, và cá nhân, như thể những hạt cát ngoài bờ biển, hoặc như những chiếc lá vàng mùa thu, nhưng không còn hồ nghi gì nữa về những kết quả chung cuộc.

“Khi nào cả hai phía cùng hoà giải với nhau thì họ sẽ thấy Phạm Duy đón họ ở đấy, vì ông đã thấy trước từ lâu rồi là sẽ có một ngày như thế”.

Leave a comment